Cho tới nay, Nhật Bản đã áp dụng CNTT trong rất nhiều công đoạn sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như Hệ thống định vị toàn cầu, lắp đặt các thiết bị GPS để tiếp nhận thông tin truyền qua vệ tinh của các máy kéo, máy liên hợp và máy móc thiết bị nông nghiệp khác, đã giúp hoạt động canh tác nông nghiệp được vận hành chính xác.
Mạng lưới cảm biến được sử dụng để đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, carbon dioxide hay những yếu tố cần thiết giúp phát triển tốt nhất một số cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu. Mạng lưới này đi kèm với những điều chỉnh tự động trong hệ thống thông gió, che chắn ánh sáng và các yếu tố khác giúp duy trì mức độ carbon dioxide phù hợp nhất để phát triển và hỗ trợ môi trường tối ưu cho từng loại cây trồng.
GPS giúp hoạt động canh tác nông nghiệp được vận hành chính xác
Hệ thống định vị toàn cầu kiểu Nhật là hệ thống vệ tinh định vị chất lượng cao Quasi-Zenith Satellite System (QZSS), tiếng Nhật là Juntencho, âm Hán-Nhật là Chuẩn thiên đỉnh, bao phủ vùng Đông Á và châu Đại Dương. Vệ tinh Juntencho đầu tiên có tên Michibiki được phóng ngày 11/9/2010.
Hệ thống GPS hiện hành ở Nhật chủ yếu vẫn dựa vào các vệ tinh của Mỹ. Nhưng do nước này có nhiều đồi núi nên tín hiệu GPS khó có thể hoàn toàn phủ kín các vùng, và định vị vẫn tồn tại sai số khá lớn, vào khoảng 10 m. Kế hoạch vũ trụ cơ bản công bố hồi tháng Một năm nay đề xuất, trước năm 2033 sẽ tăng số lượng vệ tinh QZSS từ một hiện nay lên bảy cái, nhằm xây dựng hệ thống định vị riêng của Nhật, bảo đảm bất kỳ vùng nào trong cả nước Nhật đều có thể nhận được số liệu xác định phương vị với sai số không quá 5 m.
Hệ thống mới này sẽ mở đường cho tiến trình sử dụng số liệu vệ tinh để phục vụ nông nghiệp. “Chúng tôi đã tiến gần đến thời đại toàn bộ thực hiện tự động hóa từ việc gieo trồng cho tới việc thu hoạch” – một giám đốc công ty nói. Người ta cũng đang tăng cường khả năng sử dụng xe không người lái và máy móc loại nhỏ không người điều khiển để tiến hành kiểm tra các thiết bị hạ tầng cơ sở.
Thái Hà (T/h)