Muôn mặt hệ thống định vị vệ tinh GPS

Giới thiệu muôn mặt hệ thống định vị vệ tinh GPS

25 năm trước, vào tháng 2/1989, vệ tinh dân sự đầu tiên của hệ thống định vị toàn cầu GPS được đưa vào qũy đạo quanh Trái Đất. Sự kiện “xa vời” ấy nay đang tác động nhiều mặt đến cuộc sống của người dùng thiết bị di động.

“Tôi ngờ rằng chồng tôi đang ngoại tình vì anh ấy luôn nói dối tôi về chuyện anh ấy đi đâu, làm gì. Anh ấy luôn đi làm về muộn và luôn cẩn thận xóa nhật ký cuộc gọi trên điện thoại. Tôi muốn mua thiết bị theo dõi vị trí để gắn vào xe của anh ấy. Xin cho biết có trang mạng nào đáng tin bán thiết bị ấy? Xin cho tôi lời khuyên. Cảm ơn nhiều”.
Câu hỏi nêu trên xuất hiện trên trang Yahoo Answers, bày tỏ lý do “chính đáng” của nhu cầu sử dụng thiết bị theo dõi. Có lẽ đó không phải là trường hợp hiếm hoi và sẽ còn lặp lại ở… mọi nơi. Người vợ đang rối trí nhận được nhiều lời đáp nhiệt tình, giới thiệu đủ loại thiết bị dùng hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System).
Câu chuyện “muôn thuở” ấy bỗng nhiên gắn liền với hệ thống GPS. Trong ngày… Lễ Tình Nhân 14/2/1989, vệ tinh dân sự đầu tiên của hệ thống GPS được phóng vào không gian. Theo quyết định của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, hệ thống GPS dùng cho quân đội cần có thêm những vệ tinh phục vụ cho nhu cầu dân sự. Nhờ vậy, công nghệ định vị tiên tiến của GPS sẽ lập tức có ích cho những tuyến bay dân dụng, tránh được nhiều rủi ro đáng tiếc. Sau vệ tinh đầu tiên, chính phủ Mỹ lần lượt cho phóng thêm các vệ tinh tiếp theo. Mạng lưới vệ tinh GPS dân sự nay đã có 24 vệ tinh, bảo đảm mọi vị trí trên Trái Đất luôn nhận được tín hiệu từ ít nhất ba vệ tinh khác nhau.
Trên thiết bị nhận tín hiệu GPS (gọi tắt là “thiết bị GPS”), dữ liệu chứa trong tín hiệu giúp tính được khoảng cách từ điểm nhận đến điểm phát (vị trí vệ tinh). Khi thiết bị GPS cùng lúc nhận được tín hiệu từ nhiều vệ tinh, các khoảng cách tính được từ điểm nhận đến các điểm phát cho phép xác định vị trí điểm nhận (kinh độ, vĩ độ và độ cao). Các thiết bị GPS hiện nay còn dựa vào hiệu ứng dịch chuyển tần số tín hiệu để xác định vận tốc chuyển động của thiết bị GPS (tức vận tốc của người dùng).
Lúc đầu, tín hiệu GPS dân sự có chất lượng thấp hơn tín hiệu GPS quân sự, nhằm tạo ưu thế nhất định cho quân đội Mỹ. Mùa hè năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton quyết định dỡ bỏ “rào cản kỹ thuật”, cho phép tín hiệu GPS dân sự có chất lượng tốt, ngang với tín hiệu GPS quân sự. Nhờ vậy, thiết bị GPS dân sự trên mặt đất có khả năng định vị chính xác hơn, độ ngờ tọa độ giảm từ 100 mét xuống 20 mét.
Ứng dụng GPS nở rộ ngay sau khi tín hiệu GPS được nâng cấp chất lượng. Trong thập niên 2000, thiết bị dẫn đường trên xe hơi dựa vào GPS trở nên quen thuộc với nhiều người. Từ đó xuất hiện bao chuyện… “cười ra nước mắt” và hệ thống GPS phải hứng chịu nhiều lời kết tội!
Trong tháng 9/2010, Robert Ziegler, một người lái xe tải ở Thụy Sĩ đã lái xe vào một đường cheo leo trên núi. Đường hẹp đến mức xe anh bị kẹt và không thể trở lui. Xe của Ziegler được trực thăng cứu hộ đưa xuống núi. Đội cứu hộ phải thán phục Ziegler vì anh đã đưa chiếc xe tải của mình vào một vị trí… khó tin! Riêng Ziegler nhất định đổ lỗi cho hệ thống dẫn đường GPS.
Trong tháng 3/2012, ba du khách Nhậttại Úc lái xe đến vịnh Moreton. Hệ thống dẫn đường GPS hướng dẫn họ lái xe vào một đường lầy lội. Nghiêm trọng hơn, khi thủy triều lên, con đường nằm dưới mực nước biển! Cả ba phải bỏ xe để thoát thân.
Trong tháng 6/2012, Patricia Maione, một phụ nữ ở bang Massachusetts (Mỹ) lái xe sa vào một hố cát và không thoát ra được. Bà kể rằng xe của mình bị kẹt vì đã rẽ trái theo đúng hướng dẫn của giọng nói phát ra từ hệ thống dẫn đường GPS và bác bỏ nhận định của cảnh sát rằng bà say rượu khi lái xe.
Trong tháng 1/2013, bà Sabine Moreaulái xe từ quê nhà Hainault Erquelinnes (Bỉ) đến Brussels, cách nơi bà ở 90 dặm. Hệ thống dẫn đường GPS đã khiến bà lái xe vòng qua Croatia. Thay vì chỉ lái xe trong vài giờ, bà Moreau đã lái xe trong vài ngày và phải dừng lại để ngủ trên xe vài lần. Cuối cùng, bà Moreau đến Brussels sau hành trình dài 900 dặm! Bà thừa nhận mình đãng trí: “Tôi nhìn vào mọi biển báo giao thông. Lúc đầu biển báo dùng tiếng Pháp, sau chuyển qua tiếng Đức và cuối cùng là tiếng Croatia. Khi đến Zagreb (Croatia), tôi mới biết mình không còn ở Bỉ nữa”.
Trong mỗi trường hợp, có thể có một phần sự thật không được tường thuật. Dù sao, những sai lầm của hệ thống dẫn đường không hoàn toàn do lỗi định vị của thiết bị GPS, mà còn có phần “trách nhiệm” của dữ liệu bản đồ và giải thuật tìm đường.
Bất chấp những tin tức lạ lùng liên quan đến hệ thống dẫn đường GPS, công nghệ GPS tiếp tục thâm nhập vào nhiều lĩnh vực. Thiết bị GPS nay được thu gọn thành một vi mạch, chỉ đóng góp khoảng 1 USD vào giá thành của nhiều loại vật dụng.
Vi mạch GPS có khả năng kết nối Internet được đưa vào quả gôn (golf). Nhờ vậy, người đánh gôn biết được vị trí của quả gôn trên màn hình điện thoại, không còn phải lần mò, dò dẫm mỗi khi quả banh gôn mất hút trong bụi rậm. Các đội bóng lớn, như Manchester City và Liverpool tại Anh, gắn vi mạch GPS vào từng cầu thủ để theo dõi tốc độ, khoảng cách di chuyển, từ đó dễ dàng đánh giá phong độ cầu thủ.
Lực lượng cảnh sát tại Mỹ bắt đầu dùng “đạn dính” có gắn vi mạch GPS để bắn vào xe của tội phạm. Nhờ vậy, cảnh sát có thể theo dõi vị trí chiếc xe trên màn hình, không còn phải thực hiện những cuộc rượt đuổi tốc độ cao đầy nguy hiểm trên đường phố. Vi mạch GPS cũng có thể được gắn một cách bí mật vào bên trong xe của nghi phạm. Vi mạch như vậy hoạt động lâu dài nhờ nguồn điện của xe. Từ đó, công nghệ dò tìm vi mạch GPS và phá tín hiệu GPS ngày càng phát triển vì tìm được nhu cầu thực tế! Công nghệ chống dò tìm vi mạch GPS và chống phá tín hiệu GPS cũng có bước phát triển tương ứng.\“Đạn dính” StarChase dùng để theo dõi tội phạm.

Trên điện thoại và máy tính bảng, hiện có không ít phần mềm ứng dụng dùng chức năng định vị GPS để giúp mỗi người trong gia đình biết rõ những người thân đang ở đâu, như Real Time GPS Tracker(miễn phí), GPS Mobile Tracker(miễn phí),… Riêng ứng dụng Couple Trackerdành riêng cho cặp vợ chồng hoặc cặp tình nhân, có ích trong trường hợp mỗi người tự nguyện cho người kia theo dõi vị trí của mình, cũng như theo dõi nhật ký tin nhắn, cuộc gọi và mọi hoạt động trên Facebook.
Xuất hiện ngày càng nhiều những thiết bị và dịch vụ kèm theo, phục vụ cho việc theo dõi một “đối tượng” nhất định. “Đối tượng” được theo dõi thường là trẻ em, người già đãng trí, có khi là thú nuôi (chó, mèo,…). Nhiều bậc cha mẹ mua thiết bị GPS mang tên PocketFinderđể gắn vào ba-lô của con trẻ. PocketFinder kết nối Internet qua mạng di động. Nhìn vào bản đồ trên điện thoại, người làm cha mẹ luôn biết được vị trí của con mình.

Thiết bị PocketFinder dùng để theo dõi vị trí của con trẻ.

So với PocketFinder, thiết bị Revolutionary Tracker(RT) có ưu thế nhờ được “cải trang” thành đồng hồ. Ngoài khả năng định vị GPS, thiết bị RT thực chất là một điện thoại di động chuyên dùng. Đứa trẻ mang RT trên tay có thể chạm vào màn hình cảm ứng để gọi cho bố hoặc mẹ. RT báo động cho bố mẹ khi đứa trẻ đi ra khỏi phạm vi định trước. RT còn có nút bấm báo động, dùng cho trường hợp khẩn cấp. Đứa trẻ có thể bấm nút báo động khi bị… bắt nạt. Khi đó, RT tự động gửi tin nhắn cho bố mẹ.Thiết bị theo dõi vị trí RT cho phép trẻ em chọn hình bố hoặc mẹ khi cần gọi điện thoại.

Sentinel Microlà một trong nhiều loại thiết bị GPS được giới thiệu như sản phẩm “chống ngoại tình”, thích hợp cho việc theo dõi kín đáo vị trí của vợ/chồng hoặc người tình, vì dễ dàng giấu kín trong xe hoặc túi xách của “đối tượng”.Thiết bị Sentinel Micro Real-Time GPS Tracker.

Thế nhưng, đối với một người vợ đang rối trí, giải pháp GPS có thể làm cho vấn đề thêm… trầm trọng, những lời khuyên “phi công nghệ” có lẽ cần thiết hơn!

Viết một bình luận